Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

MŨ BẢO HIỂM


MŨ BẢO HIỂM
Có lẽ mỗi người dân Việt Nam đã không còn xa lạ với chiếc Mũ bảo hiểm – Một vật “bất ly thân” đối với hầu hết người dân chúng ta mỗi lúc ra đường, và đặc biệt quan trọng hơn là đối với đại đa số người dân Việt Nam nghèo và cô thân cô thế khi họ chưa đủ tiền để tậu cho mình một “con xe hơi” và không phải là các “cậu ấm cô chiêu” con các NGÀI – thành phần mà vẫn đi xe 2 bánh (siêu xe 2 bánh) được phép miễn trừ qui định đội.
Một lần có dịp quan sát cảng kẹt xe từ một nhà cao tầng, quang cảnh hiện ra trước mắt thật đẹp, làm tôi hình dung đến một đàn kiến “đầu bóng” chỉ thiếu là không có 2 sợi râu quơ qua quơ lại thôi.
Với Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ca Chính phủ ra đời và đi vào cuộc sống đã mang lại cho “toàn dân tộc Việt Nam” một sự an toàn “tuyệt đối” khi giao thông, giúp người dân Việt sống thọ hơn các dân tộc khác trên thế giới.
Ở nội dung bài viết này tôi muốn bàn về một vấn đề khác không liên quan đến tai nạn giao thông, chấn thương sọ não, chất lượng mũ bảo hiểm, …. hay nói chung là những chuyện quanh cái “nồi cơm điện đội đầu” nữa vì chuyện này đã được nói đến quá nhiều và quá lâu rồi. Vấn đề xin được trình bày ở một khía cạnh khác : SỰ NHU NHƯỢC CỦA NGƯỜI VIỆT !
Tôi vẫn nhớ như in những ngày đầu tiên nghị quyết 32 bắt đầu có hiệu lực, bản thân tôi chỉ trong 2 ngày phải đi đóng tiền phạt về lỗi không đội mũ bào hiểm đến 3 lần, mà oái ăm thay là các tình huống bị phạt : đi dự đám cưới cách nhà khoang 150m, đi chợ cách nhà 200m và đau nhất là băng qua đưởng để đi sửa chiếc xe máy cà tàng !
Thế là “khiếp” cho đến giờ dù biết rằng cái mũ bảo hiểm trên đầu bây giờ là “rất dỏm” không đủ đảm bảo “chấn thương sọ não” nhưng ít nhất cũng không để “ chấn thương hầu bao” nữa.
Còn đâu những buổi chiều thơ mộng với mùi hương tỏa – tóc bay mà cứ lên xe là phải nghe cái mùi thum thủm từ cái nón bảo hiểm của mình và của người đi cùng vì nó có bao giờ được giặt đâu !
Những tà áo dài thướt tha dưới chiếc nón lá “ quê hương” ngày ấy đã được thay bằng chiếc nón bảo hiểm nhìn mà xót cả lòng.
……..
Và còn bao nhiêu cái hệ lụy mà chiếc “nón bảo hiểm” đem lại !
Còn cái được thì sao? Tai nạn giao thông vẫn không giảm ! có được chăng là “kinh tế phát triển” thêm nhờ vào việc sản xuất mũ bảo hiểm ( hàng thiệt và hàng giả), thu ngân sách tăng, tiền thu ở các bãi giữ xe tăng ….
Một thằng ngang bướng như tôi rồi cuối cùng cũng phải chịu khuất phục với cái quy định có phần vớ vẩn, nó tước đoạt đi bao nhiêu sự tự do của con người và quan trọng là thêể  hiêệ n hì nh ảnh “NHÀ NƯỚC ĐÃ CHỤP MŨ LÊN HƠN 80 TRIỆU CON DÂN NƯỚC VIỆT” và “CHÚNG TA LẠI NGOAN NGOÃN CÚI ĐẦU” !
Một chiều mưa tháng 9/2011
Songngamvietnam

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

ĐÁM TANG


ĐÁM TANG
Đã lâu lắm rồi mình đã không còn thói quen xem truyền hình vào những lúc rãnh rỗi , có lẽ cũng bởi một phần vì nó vô bổ , lắm trò “ngứa mắt” và thông tin thì chẳng mấy khi trung thực. Một buổi sáng, tình cờ đến quán café thư giản sớm và buộc phải xem tivi qua cái màn hình khủng treo giữa quán.
Wow, một cảnh hoành tráng hiện trên màn hình “Đám tang cố chủ tịch Võ Chí Công”. Tất cả đều tề tựu đông đủ, không thiếu một khuôn mặt nào của giới lãnh đạo Việt Nam, cũ cũng như mới ! với 2 hàng “âm quân trắng muốt” và đội ngũ tiễn đưa hùng hậu với veston – cravat chỉnh tề. “Nghĩa tử là nghĩa tận” và nhất là của những người đồng chung chí hướng thì điều đó lại càng đáng trân trọng hơn thế nữa. Nhìn cảnh hoành tráng đang diễn ra mình chỉ muốn “chết” để được tận hưởng, nhưng mà nghĩ lại mình đâu là chủ tịch để được hưởng điều ấy!
 Và cũng qua những trang blog nhỏ mình cũng xem được một cái đám tang cũng “hết sức hoành tráng” của bác Trương Văn Sương, người tù chính trị suốt 34 năm, rũ tù với bao nhiêu trăn trở của cả người đã khuất và người còn sống. Đám tang cũng được tiễn đưa bởi 2 hàng “âm công đồng phục Jeventus” và đội ngũ không thiếu những sắc phục “áo xanh”, những người đã nguyện phục vụ nhân dân đến hơi thở cuối cùng ! Chỉ khác là cuộc đưa tiễn sau cùng này của Bác Sương không được thực hiện bởi những người “đồng chung chí hướng” !
Thân phận con người dù có khác nhau đôi chút nhưng rồi “tất cả cũng trở về cát bụi” đó là điều mà ai cũng phải thừa nhận. chỉ khác nhau là cuộc ra đi của “Công dân số 1” và “công dân không số” mà thôi. Âu cũng là lẽ tất yếu của thời cuộc.


Nhìn vào 2 bức ảnh các bạn có những suy nghĩ gì? Riêng tôi còn quá nhiều điều để suy tư.
Xin hẹn các bạn một bài viết khác để phân tích về cái ý nghĩa thâm sâu từ 2 bức ảnh trên và ý kiến cá nhân của tôi .
Songngamvietnam


Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

XIN ĐỪNG THỜ Ơ VỚI CHÍNH MÌNH


THỜ Ơ VỚI CHÍNH MÌNH !
Sự thờ ơ đã trở thành nếp sống của người Việt nam sau bao nhiêu năm kể từ sau ngày giải phóng 30/4/1975 từ việc bóp chẹt thông tin thậm chí là làm cho thông tin biến tướng, tạo sự phiền nhiễu cho những người có ý kiến phản biện một vấn đề bức xúc nào đó trong cuộc sống. Chủ nghĩa MACKENO ra đời cũng từ đấy.
Trong bài viết này, tôi xin được trình bày một vấn đề nhỏ trong cuộc sống để chúng ta thấy rằng sự thờ ơ với vận mệnh đất nước cũng chính là sự thờ ơ với chính mình, thờ ơ với gia đình, với xã hội và với cả dân tộc Việt Nam.
Trước tiên tôi xin mượn một đoạn trích dẫn trong bài Á Tế Á Ca của Phan Bội Châu để làm đầu cho vấn đề được trình bày
……
Các thức thuế các làng thêm mãi,
Hết đinh điền rồi lại trâu bò.
Thuế chó cũi, thuế lợn bò,
Thuế diêm, thuế tửu, thuế đò, thuế xe.
Thuế các chợ, thuế trà, thuế thuốc,
Thuế môn bài, thuế nước, thuế đèn.
Thuế nhà cửa, thuế chùa chiền,
Thuế rừng tre gỗ, thuế thuyền bán buôn.
Thuế gò, thuế bãi, thuế cồn,
Thuế người chức sắc, thuế con hát đàn.
Thuế dầu mật, thuế đàn đĩ thoã,
Thuế gạo rau, thuế lúa, thuế bông.
Thuế tơ, thuế sắt, thuế đồng,
Thuế chim, thuế cá, khắp trong lưỡng kì.
Các thức thuế kể chi cho xiết,
Thuế xia kia mới thật lạ lùng,
Làm cho thập thất cửu không,
Làm cho xơ xác, khốn cùng chưa thôi.
……..
Có lẽ các khoản thuế này đến bây giờ trong xã hội ta vẫn còn áp dụng đầy đủ, tuy nhiên Phan Bội Châu ngày xưa chưa thống kê được hết các khoản thuế và nay với bài viết này tôi xin trình bày thêm khoản thuế GIÁ TRỊ GIA TĂNG (VAT).
Thuế VAT không chừa một ai trong xã hội, nó được áp dụng cho tất cả những người còn sống và cả những người đã chết (do người sống đóng thay). Nói như thế để chúng ta thấy được tầm ảnh hưởng và quy mô của khoản thuế này.
Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn một chút về ý nghĩa của loại thuế trên, tôi xin chi tiết về cách thu thuế. Thuế được thu dựa vào sản phẩm và các dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng, khoản thuế này do doanh nghiệp cung cấp hàng hóa và dịch vụ đứng ra thu hộ nhà nước từ người tiêu dùng và nộp vào ngân sách theo định kỳ. Với ý nghĩa như vậy thì nhất cử nhất động trong sinh hoạt của mỗi người chúng ta đều phải thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước. Mua gạo- thuế, mua mắm – thuế , đi xe- thuế, hớt tóc – thuế, mua áo quần- thuế, ngủ khách sạn – thuế ……. Và tệ hơn nữa là đi toilet cũng … thuế (suy diễn sẽ ra thôi).
Bây giờ chúng ta làm nhẩm một phép tính nhỏ để thấy quy mô của khoản thu VAT và qua đó chúng ta sẽ “hãnh diện” hơn về sự đóng góp của bản thân với “sự nghiệp xây dựng tổ quốc”.
Với mức thuế VAT hiện tại 10% cho tất cả các hàng hóa dịch vụ, tính bình quân tiêu dùng của người VN là 1.000.000VNĐ/ tháng và với 90 triệu dân ta có phép tính để tìm được số thuế trong một tháng :
1.000.000 x 10% x 90.000.000 = 9.000.000.000.000 (Chín ngàn tỷ)
Một con số thu hàng tháng thật sự “hãnh diện” cho sự đóng góp của “toàn dân tộc”. Còn việc nhà nước sử dụng nó như thế nào thì có lẽ các bạn cũng phần nào đã hiểu.
Ở nội dung bài viết này tôi chỉ xin giới hạn một vài ý chính để nói với bạn đọc là XIN ĐỪNG THỜ Ơ VỚI CHÍNH MÌNH vì
Tất cả người Việt Nam đều phải có quyền lợi
vì những công sức của mình đã bỏ ra.
http://songngamvietnam.blogspot.com/

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

Nguyễn Xuân Diện-Blog: 22h: TƯỜNG THUẬT ĐẶC BIỆT TỪ HÀ NỘI

22h: TƯỜNG THUẬT ĐẶC BIỆT TỪ HÀ NỘI



Dưới đây là bản tường thuật về một cảnh tượng bất an của cuộc sống ở Thủ đô Hà Nội mà vợ chồng chúng tôi vừa bất ngờ trải qua cách đây ít phút, tại 65 Ngô Thì Nhậm, HN.

Bữa cơm chiều nay chỉ có hai vợ chồng. Hai con đã được gửi sang bà ngoại, vì tối nay chúng tôi có hai cuộc hẹn. Một cuộc hẹn bất thành vì người bạn ở SG ra chưa đi ăn cơm với người ở Quốc hội về. 21h chúng tôi đến quán bia Tiệp ở 65 Ngô Thì Nhậm, HN, khi đó mọi người đã có mặt khá đông đủ. Hôm nay sinh nhật một người trong những bạn biểu tình. 



Ngồi chưa được bao lâu; tôi chưa cạn ly bia cốc cao, thì bất đồ, hai người mặc thường phục xông đến chỗ chúng tôi. Thì ra, hôm nay Lê Dũng đi lấy về một tấm băng - rôn gửi ở quán cafe Zic Zac (Nguyễn Xí) lần biểu tình trước, trên đó có ghi một câu nói của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Mặc dù băng rôn được cuộn lại và để trên bàn bên cạnh, chưa từng được mở ra.


Họ xông vào, mở tấm băng rôn và đòi tịch thu. Lã V.Dũng nói: Đây là tài sản của tôi. Nếu các anh muốn tịch thu, các anh lập biên bản đi.


Nhưng họ không dám! Vì đây là lời ông Trương Tấn Sang. Tôi gọi điện cho một người bạn khác để nhờ họ thông báo cho Văn phòng Chủ tịch nước ngay.

Liền ngay sau đí, gần một chục cảnh sát mặc cảnh phục quây lấy chúng tôi, đằng đằng sát khí với cả dùi cui trên tay, và yêu cầu mọi người xuất trình tờ tùy thân. Tôi biết đó là điều họ đã làm trái luật. Vợ tôi nói với tôi không cần phải đưa. Nhưng tôi và Lê Dũng đưa cho họ. Và tôi nói cho người chỉ huy biết tôi là ai. Người đó đã nhanh chóng nhận ra tôi.

Chí Đức vỗ tay vào vai một người cảnh sát. Lập tức anh này ăn vạ. Người này vu cho anh Chí Đức chống người thi hành công vụ và định bắt anh đưa về đồn. Lúc đó, không khí trong quán đã hết sức căng thẳng. Họ còn đòi đưa một số người khác về đồn. Tất cả mọi người hét lớn, phản đối.

Tôi nói với người chỉ huy: Các anh chẳng có lý do gì đề bắt bớ ở đây. Anh hãy lệnh cho lính của anh lui hết đi. Không nên tạo một không khí náo loạn tại phường sở tại của mình.

Lê Dũng cũng dùng hết mọi lý lẽ và nói nếu họ muốn bắt hết chúng tôi, xin báo để anh Nhanh đưa lệnh đến đây.




Sau một hồi đấu lý, cuối cùng, người chỉ huy thoắt đổi giọng và cười rồi vỗ vai tôi, nói rằng anh biết tôi rồi, và chúng ta đều là những người lớn, cần nhẹ nhàng với nhau để hiểu nhau. Và rằng, đề nghị mọi người cứ vui vẻ, không có vấn đề gì đâu. Họ lặng lẽ rút êm sau lời nói cười của viên chỉ huy.

Gần 22h, vợ chồng tôi ra về. Khi lấy xe, tôi trông thấy hàng chục cảnh sát thường phục và quân phục đứng khắp cả ngã tư quanh quán bia, với cả xe ô tô chực sẵn. Người chỉ huy lại gần tôi và bắt tay, nói rằng mong anh thông cảm. Tôi nói: Giờ đang là tháng trọng điểm đấu tranh với tội phạm. Nhưng các anh phải có cách nhìn nhận và hành xử sao cho không kinh động đến cuộc sống của người dân, đừng để người dân nghĩ rằng HN này, quận này, phường này bây giờ đã quá bất ổn rồi.

Mười phút sau đó các bạn của tôi đã xuống lấy xe và mỗi người đi mỗi ngả, trước sự chứng kiến của hàng chục cảnh sát quây xung quanh quán bia 65 Ngô Thời Nhậm. Không một ai bị bắt giữ, và tấm băng rôn không bị thu giữ.

Ngay khi sự kiện đang xảy ra, thì tin và ảnh đã được tung lên mạng internet (FB) và các trang điện tử khác. Lập tức các cuộc điện thoại, tin nhắn từ trong và ngoài nước gọi và gửi đến, thậm chí những người ở HN cũng đã kéo đến bên ngoài quán bia 65...

Hà Nội bây giờ không còn là một thành phố yên lành nữa! Thành phố có quá nhiều bất an, đến với bất cứ ai, lúc nào và ở bất cứ chỗ nào.

Đây thực sự là thành phố của công an.

22h55, ngày 06.09.2011.

Chùm ảnh của Binh Nhì:














Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

TÔI ĐÃ NHẦM VÌ ĐÃ QUÁ TIN


Đã 45 tuổi nhưng nay tôi mới thấy được sự thật của xã hội mình đang sống, làm  việc và cống hiến và đến bây giờ đang chuẩn bị trở về con số KHÔNG tròn trịa.
Cách đây 23 năm, từ một người công giáo sống ở một vùng nông thôn nghèo, tôi đã cố gắng tìm mọi phương cách để vượt qua những trắc trở của gia đình để tiến thân trên con đường vào đại học, từ bỏ tư tưởng của gia đình, của người thân ( mà hầu hết họ sống trong cái nôi của miền nam - và hầu như tất cả đều phục vụ cho chế độ Mỹ ngụy - theo cách gọi của thời điểm ấy ) , thậm chí từ bỏ chính cả cái tôn giáo mà bao đời nay đã ăn sâu vào truyền thống của gia đình .
Háo hức với tấm bằng đại học của những năm 1989 tôi lao vào đời như một cánh chim trong lần vỗ cánh đầu tiên. Rạo rực và háo hức khi một khung trời bao la rộng mỡ trước mắt. Tôi làm việc cật lực không kể ngày hay đêm, ngày thường hay ngày nghĩ , cốt sao chứng minh cho gia đình thấy được những suy nghĩ của họ về xã hội hiện tại không đúng. Con sẽ là một người của xã hội mới, mang tư tưởng mới, xã hội của đọc lập - của tự do... và tôi đã đạt được điều ấy mặc dù rất khó khăn và vất vả.
Trong những tháng ngày ấy, cái xã hội đã dạy cho tôi bao nhiêu điều, từ những điều đơn giản nhất trong đối nhân xử thế đến những mánh khóe của cuộc sống cho đến một ngày tôi không thể nhận ra được mình là ai và sống như thế này để làm gì.
Mười năm lăn lộn cuộc sống với môi trường làm việc "quốc doanh" đã đủ để cho tôi phải chiêm nghiệm lại ý nghĩa của cuộc sống. Không lẽ mình lại có thể để cuộc sống mình trượt dài trong sự dối trá, thủ đoạn, lộc lùa, xu nịnh , tha hóa như thế mãi sao ! Phải làm một điều gì đó cho cuộc đời , điều gì đó cho con người để không cảm thấy hổ thẹn với chính mình, hổ thẹn với gia đình, bạn bè. Một chút sĩ còn lại đã đưa tôi đến quyết định thoát ra khỏi môi trường làm việc ấy sau cú shock "không được kết nạp Đảng" sau 15 năm phấn đấu ( Đối tượng Đảng từ năm đầu vào Đại học).
Thế là tôi lại quay về với chính mình.
Sắp xếp lại cuộc sống với một số vốn tích lũy được trong cả thời gian dài lăn lộn tôi quyết định làm công việc giáo dục. Bước đầu từ một trung tâm nhỏ đào tạo về tin học cho những người có nhu cầu và cũng cảm nhận được đây là một lĩnh vực quan trọng mà trong tương lai mọi người sẽ cần đến. Tôi lại một lần nữa lao vào công việc như chưa bao giờ được làm việc và nghĩ rằng có lẽ mình sẽ làm nên chuyện và làm được một điều hữu ích cho xã hội. Sống trong môi trường này có vẽ mình thánh thiện hơn, biết chia sẽ hơn và chắc chăn là hữu ích hơn.
Ước mơ của mình chắc chắn sẽ được thực hiện khi mà chủ trương của nhà nước khuyến khích tư nhân đầu tư cho giáo dục và y tế. Như được mở cờ cho ước mơ bay lên, tôi đã không ngần ngại để đầu tư , huy động toàn bộ tài lực của bản thân, cả của gia đình và cả đi vay để thực hiện ước mơ lập trường. Sẽ có bao nhiêu người được học hành, sẽ có bao nhiêu em nhỏ được mở mang kiến thức, sẽ có bao nhiêu con người được tiếp cận với một lãnh vực mà với họ còn xa tầm tay với ...... ôi thật đẹp cho những ước mơ. Với sức mình và với sự trợ giúp của cả xã hội thông qua những nhà lãnh đạo sáng suốt, có lẽ một lần nữa mình sẽ làm được một điều gì đó thật sự !
.......
và cái sự thật bây giờ đã đến với tôi, những điều tôi đã được nghe, được học, tin tưởng gần như tuyệt đối ấy bây giờ không còn nữa, chỉ là những chiếc "bánh vẽ" không hơn không kém. Tất cả công sức và tài sản của tôi từng ngày từng giờ đang bị cái chính sách tiền tệ của Nhà nước thông qua hệ thống ngân hàng của họ "rúc rỉa" còn cái nguồn vốn "hổ trợ giáo dục" kia thì chỉ là chuyện hư ảo.......... viễn vong.
Ngồi viết những dòng này cũng là lúc mà người ta đang rao bán "cái ước mơ của mình" để thu hồi nợ, bán cả cái " lợi ích lâu dài" cho những "lợi ích trước mắt". Tôi thật sự không cay đắng cho mình nhưng cay đắng cho một xã hội, cay đắng cho một chế độ. CÓ LẼ TÔI ĐÃ NHẦM VÌ ĐÃ QUÁ TIN !
Sẽ là gì cho những tháng ngày còn lại của cuộc đời ? thật vô vị ?
Khi niềm tin đã bị đánh mất trong chính cái xã hội mình đang sống thì mình sẽ trốn chạy hay phải đối đầu với nó? những câu hỏi và nhiều câu hỏi nữa đang đặt ra cho tôi nhưng có một điều chắc chắn tôi đã tìm được câu trả lời đó là TÔI ĐÃ NHẦM VÌ ĐÃ QUÁ TIN.